Chuộng cốc nhựa một lần vì tiện dụng
Không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác hiện nay cũng chuyên sử dụng loại cốc nhựa dùng một lần. Không chỉ tiện dụng vì có thể đựng đa dạng các loại đồ ăn, nước uống, loại cốc nhựa một lần này có giá thành siêu rẻ, đem lại lợi nhuận cao.
Cả trăm quán nước mía tại trên cả nước đềù dùng cốc nhựa dùng một lần để đựng nước mía. Các chủ hàng thừa nhận, dùng loại cốc nhựa này khá phổ biến, vừa rẻ vừa tiện lợi.
“Lượng người mua nước mía trong cốc nhựa nhiều gấp đôi so với người uống tại quán. Một cốc nước mía giá 8.000 đồng, trong khi giá một chiếc vỏ cốc chỉ 100 đồng, nếu trừ cả tiền nguyên liệu thì vẫn lãi tới 5.000 đồng/cốc”
Dùng cốc nhựa một lần đựng canh nóng, cháo nóng, bắp rang bơ, trà sữa, chè, thạch,…là tình trạng phổ biến tại các quán ăn uống.
Tại một số quán ăn bình dân gần trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, canh nóng được nhân viên thản nhiên múc vào các cốc nhựa dùng một lần để khách đem về.
Cốc nhựa dùng một lần được sử dụng với mục đích khác nhau
Anh Chung, làm việc tại ở Cổ Nhuế cho biết, do tính chất công việc không cố định nên anh thường xuyên ăn cơm hộp.
“Nhiều hôm ăn cơm còn ngửi thấy mùi nhựa nồng nặc trong cốc nhựa đựng canh nóng. Dù biết ăn uống kiểu này rất nguy hiểm nhưng giờ quán ăn nào cũng dùng đồ nhựa một lần. Chẳng nhẽ lại tuyệt thực”, anh Chung than thở.
“Thấy tiện lợi, tôi thường mua cốc nhựa dùng một lần để trên chỗ làm dùng dần. Tôi thường pha cà phê, đựng nước nóng vào cốc. Thi thoảng cầm cốc nóng, hình in trên cốc còn thôi ra tay. Phát hoảng tôi quăng hết số cốc còn lại”, chị Hải làm việc ở quận Ba Đình chia sẻ.
Nguy cơ độc hại từ nhựa tái chế
Pháp vừa thông qua luật cấm tất cả ly, chén, dao, muỗng… sử dụng một lần làm bằng nhựa. Luật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. Trong khi đó, Mỹ và Canada cấm sử dụng cốc nhựa dùng một lần vì phát hiện chất Styrene gây hại đến sức khỏe người sử dụng, đặc biệt có thể gây ung thư.
GS.TS. Nguyễn Văn Khôi, Viện Hóa học cho biết, chất lượng nhựa sử dụng làm cốc dùng một lần trên thị trường hiện nay không kiểm soát được. Những sản phẩm dùng để ăn uống được làm từ nhựa tái chế rất nguy hiểm. Dù chưa thể biết độ độc hại đến đâu, nhưng nếu sản phẩm từ nhựa rác thải thì người dùng có nhiều nguy cơ bị nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, cũng không kiểm soát được chất phụ gia cho vào để sản xuất nhựa tái chế như chất bột đá, chất hóa dẻo… Bên cạnh đó, nhựa làm từ rác thải có nhiều beoxit độc hại, tạp chất, có hại cho sức khỏe. Theo ông Khôi, nhựa có thể tái sinh nhưng tái sinh với mục đích gì mới là quan trọng, tái sinh từ rác để làm đồ dùng ăn uống thì cần phải kiểm định gắt gao.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nhựa chỉ tái chế 1 lần cũng sinh ra nhiều hợp chất độc hại, tái chế nhiều lần càng độc hơn. Vì hàm lượng chất độc sinh ra rất thấp, người tiêu dùng chưa thấy được ngay tác động. Sử dụng thời gian dài thì chất độc sẽ tích lũy dần trong cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến ung thư…
Kỹ sư Vũ Tân Cảnh, Phòng Vật liệu Polyme và Compozit, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, về nguyên tắc, những vật dụng bằng nhựa chỉ dùng để đựng thức ăn nguội. Khi đựng đồ nóng, hàm lượng monostyren (một chất độc) trong loại nhựa này giải phóng ra càng nhiều gây tổn hại đến gan và nhiều bệnh khác. Không chỉ nhiệt độ cao, loại nhựa này khi gặp dầu mỡ, muối mặn, axít… sẽ gây độc tố gây hại cho sức khỏe cho người sử dụng.
(nguồn báo Vietq.vn)
Cocgiayxanh.com – Vì cuộc sống xanh
Email : sale.cocgiaxanh@gmail.com
Điện thoại : 0966396996 – 033.2458.666